Thép cuộncán nóng và thép cuộn cán nguội đều là những nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất các sản phẩm thép. Vậy thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội là gì? Điểm khác biệt giữa hai loại thép cuộn và ứng dụng của 02 loại thép cuộn này ?
1. Thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội là gì?
Về bản chất, thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội đều là tên gọi của quá trình sản xuất và là công đoạn cuối cùng trong quy trình sản xuất thép. Khi sản xuất thép, các nguyên liệu làm thép được đưa vào lò nung nóng tạo thành phôi. Sau đó, phôi được cán và tạo hình để tạo ra thép cán nóng và thép cán nguội các dạng.
Có thể hiểu thép cuộn cán nóng là loại thép được sản xuất thông qua quá trình cán nóng ở nhiệt độ cao, thường là trên 1000 độ. Ở nhiệt độ này, phôi thép dễ dàng biến đổi tính chất, kích thước và hình dạng để tạo hình thành sản phẩm thép như mong muốn. Thép cuộn cán nóng thường có tính thẩm mỹ thấp với bề mặt xanh đen đặc trưng và bóng dầu, độ dày khoảng từ 1mm trở lên. Các cạnh bên của thép cuộn cũng xù xì, không sắc mép, gọn gàng. Khi bảo quản thép cuộn cán nóng trong một thời gian dài ở ngoài trời, thép cuộn cán nóng sẽ bị gỉ sét và bề mặt chuyển sang màu đỏ.
Thép cuộn cán nguội được sản xuất từ thép cuộn cán nóng. Sau khi cán nóng thép, người ta tiếp tục cán nguội để tạo thành thép cuộn cán nguội bằng cách giảm dần độ dày thép và giảm nhiệt độ dần xuống tới ngưỡng nhiệt độ phòng. Quy trình cán nguội này khiến kết cấu thép trở nên cứng và khỏe hơn, không làm thay đổi cấu tạo vật chất của thép mà chỉ làm biến đổi hình dạng. Trong quy trình này, một số dung dịch chuyên dụng được sử dụng để làm mát và kiểm soát nhiệt độ giảm đều nhằm đảo bảo duy trì kết cấu thép bên trong và bề mặt thép không bị đứt gãy. Thành phẩm thép cuộn cán nguội sẽ có về mặt bóng, sáng và đẹp hơn do có 1 lớp dầu. Do được cán lại từ thép cuộn cán nóng, độ dày của thép cuộn cán nguội sẽ nhỏ hơn, tùy thuộc vào số lần cán.
2. Ứng dụng của thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội trong sản xuất
Thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội được sử dụng phổ biến trong các quy trình sản xuất thép và các sản phẩm thép.
Ngoài là nguyên liệu cho quá trình sản xuất thép cuộn cán nguội, thép cuộn cán nóng còn được sử dụng để chế tạo thép ống hàn, thép ống đúc. Nhờ đặc tính dễ dàng tạo hình, thép cuộn cán nóng cũng được ứng dụng trong công nghiệp xe hơi, làm đường ray, đóng tàu, sản xuất tôn lợp, các loại dầm thép hình chữ I, H,…
Thép cuộn cán nguội chủ yếu được dùng để tạo ra các sản phẩm thép phẳng như thép tấm, thép tấm phẳng mỏng, thép cuộn mạ kẽm hoặc các chi tiết hình tròn, vuông, các sản phẩm có bề mặt láng mịn…Bởi độ thẩm mỹ, tính chính xác cao, dung sai nhỏ mà thép cuộn cán nguội được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất ô tô, máy lạnh, tủ lạnh, máy vi tính, công nghiệp điện, đầu máy toa xe lửa, dụng cụ chính xác, hộp đựng thực phẩm.
3. Những điểm khác biệt giữa thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội?
Để phân biệt thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội, ngoài việc tìm hiểu về bản chất thông qua định nghĩa từng loại thép cuộn nêu trên, ta phân biệt thông qua những yếu tố như: độ dày thông thường, giá thành mỗi loại, bề mặt và mép biên của cuộn thép. Ngoài ra, ta có thể xét thêm các yếu tố như dung sai, độ chính xác và cách thức bảo quản của mỗi loại thép cuộn.
3.1. Độ dày thông thường
Độ dày thông thường của thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội được quy định theo các tiêu chuẩn. Trong đó, có thể căn cứ TCVN 2364 – 78 cho độ dày thông thường của thép cuộn cán nóng và TCVN 6524 : 1999, TCVN 6524 : 2006 cho thép cuộn cán nguội.
Độ dày thông thường của thép cuộn cán nóng là 0,9mm trở lên, và của thép cuộn cán nguội là từ 0,15mm.
3.2. Giá thành
Giá thành của thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội cũng có sự khác biệt đáng kể do thép cuộn cán nguội được tiếp tục cán mỏng từ nguyên liệu là thép cuộn cán nóng. Giá thép cuộn có thể thay đổi tùy thuộc theo độ dày và tính chất của thép. Tuy nhiên, mức giá thép cuộn cán nguội thường cao hơn giá thép cuộn cán nóng.
3.3. Mép biên của cuộn thép
Khi so sánh mép biên của thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội, có thể dễ dàng nhận thấy là thép cuộn cán nóng có mép biên xù xì, bo tròn và dễ biến màu gỉ sét khi bảo quản trong thời gian dài. Với cuộn cán nguội, mép thường được xén biên thẳng và sắc nét hơn.
3.4. Bề mặt
Thép cuộn cán nóng và thép cuộn cán nguội có thể dễ dàng phân biệt thông qua quan sát bề mặt cuộn thép. Thép cuộn cán nóng thường có bề mặt xanh đen bóng dầu hoặc gỉ sét chuyển màu đỏ nâu sau quá trình bảo quản tại nhiệt độ thường. Ngược lại, thép cuộn cán nguội có bề mặt bóng, sáng đẹp và mịn hơn do trải qua quá trình cán mỏng và hạ nhiệt từ từ.
3.5. Dung sai
Do thép cuộn cán nóng trải qua nhiệt độ cao (lên tới 1000 độ C), sau đó được để nguội tự nhiên về nhiệt độ thường nên khó kiểm soát được hình dạng của thép. Ngược lại, thép cuộn cán nguội được trải qua quá trình cán mỏng và điều chỉnh nhiệt độ nên hình dạng của thép dễ kiểm soát hơn, từ đó dung sai của thép cuộn cán nguội cũng thấp hơn thép cuộn cán nóng.
3.6. Độ chính xác
Cũng như dung sai, độ chính xác của thép cuộn cán nguội được đảm bảo hơn thép cuộn cán nóng do quá trình làm nguội của thép cán nguội được kiểm soát và điều chỉnh từ từ. Với thép cuộn cán nóng, do nhiệt độ chế tạo ban đầu lên tới 1000 độ C, sau đó bị giảm đột ngột và không kiểm soát xuống nhiệt độ thường nên không thể kiểm soát được độ dày chính xác của thép cuộn.
3.7. Cách thức bảo quản
Thép cuộn cán nguội có thể được bảo quản trong nhiệt độ thường và ở ngoài trời mà không cần bao bì bảo quản. Lớp bề mặt màu đỏ được tạo thành từ lớp gỉ sét hình thành trong quá trình bảo quản về cơ bản không ảnh hưởng đến chất lượng của cuộn thép.
Với thép cuộn cán nguội, cần có biện pháp bảo quản để tránh bề mặt thép bị rỉ sét. Chuẩn bị bao bì để bảo quản thép cuộn cán nguội và bảo quản trong nhà là những biện pháp khá hiệu quả để đảm bảo chất lượng.
Tiêu chí so sánh | Thép cuộn cán nóng | Thép cuộn cán nguội |
---|---|---|
Độ dày thông thường | từ 0,9mm trở lên | 0,15mm – 2mm |
Giá thành | Giá thấp hơn | Giá cao hơn |
Mép biên | Hai biên thường được bo tròn, xù xì, dễ biến màu rỉ sét khi để lâu | Thường được xén biên thẳng và có mép sắc |
Coating formability | Forming after hot dipped galvanizing is not advised as it may damage the coating | Thin coating may be normally formed without any damange |
Bề mặt | Bề mặt thô, có màu xanh xám, sau đó đổi màu đỏ nâu do rỉ sét | Bề mặt mịn và bóng hơn, màu xám |
Dung sai | Dung sai lớn do quá trình sản xuất trải qua nhiệt độ cao rồi tự nguội khiến biến dạng, không thể kiểm soát | Dung sai nhỏ hơn do có sự kiểm soát nhiệt độ, tác động lực (cán) và dung dịch làm mát |
Độ chính xác | Độ chính xác thấp hơn | Độ chính xác cao hơn |
Cách thức bảo quản | Có thể để ngoài trời trong thời gian dài mà không cần bảo quản | Cần có bao bì và bảo quản trong nhà để tránh bị rỉ sét |
4. Cách lựa chọn thép cuộn chất lượng
Để chọn lựa thép cuộn chất lượng phù hợp với mục đích sử dụng của bạn, cần chú ý những đặc điểm sau.
- Quan tâm đến số kg, số m để tính được tỷ trọng (kg/m), độ bền kéo G (N/mm2) và độ cứng của cuộn thép. Tỷ trọng sẽ giúp kiểm soát được độ dày đã thích hợp chưa và độ cứng sẽ giúp xác định sản phẩm thép cuộn có tạo hình tốt hay không.
- Xác định mục đích sử dụng để lựa chọn đúng loại thép cuộn: thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội hay thép cuộn mạ kẽm.
- Cuộn thép có xuất xứ rõ ràng từ nhà máy có quy mô và chất lượng sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn thép.
Thép cuộn cán nguội và thép cuộn cán nóng là những nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất thép cuộn mạ kẽm & các sản phẩm thép và có ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp sản xuất khác. Phân biệt được sự khác nhau giữa thép cuộn cán nguội và thép cuộn cán nóng, từ đó chọn được nguyên liệu sản xuất phù hợp là nhân tố quan trọng giúp tạo nên thành công cho mỗi doanh nghiệp.